Du học: 7 điều thường làm lúc rảnh rỗi

Nấu ăn

Nghe thì có vẻ khuôn mẫu nhưng đi du học bạn mới thấy việc một mình tự nấu ăn có ý nghĩa thế nào. Thời kỳ đầu mới qua phải làm quen với mọi thứ, nhiều khi du học sinh chỉ muốn một bữa no, thường là trứng, thịt gà, bắp cải. Sau này khi quen các loại siêu thị bên này rồi thì bữa ăn sẽ đa dạng hơn và có thể cũng nhiều đồ ăn sẵn hơn tự nấu.

Nấu món Việt mình cũng mất thời gian, nên thời gian rảnh là lúc tự thưởng cho mình một cái gì đó đặc biệt hơn.

Chụp ảnh và đi du lịch

Ở Châu Âu thì mỗi mùa có một vẻ đẹp riêng của nó, chụp ảnh quang cảnh cuộc sống là cách ghi lại nhật ký một thời đã qua. Sau này khi phải chia tay, bạn vẫn còn tư liệu để nhớ và cười một mình. Đi du lịch thì không thể thường xuyên rồi vì còn liên quan đến chi phí nữa.

Thỉnh thoảng những chuyến đi loanh quanh qua các thành phố khác hoặc nước láng giềng trong vòng một ngày thôi sẽ làm cho bạn tươi mới hơn. Thi thoảng một cốc cà phê sáng chủ nhật ở Stockholm sẽ thú vị hơn mỗi cốc cà phê sáng hàng ngày ở Helsinki…

Thăm nhà bạn bè

Có được những người bạn để mình có thể chạy đến, tâm sự và thăm nhau những lúc rảnh rỗi khi đi du học không hề đơn giản chút nào. Gọi là bạn vì nó khác với bè. Bè thì có nhiều, nhưng ngồi giữa họ mình chỉ thấy cô đơn thêm thôi. Hãy tìm những người bạn thực sự và hãy quan tâm và trân trọng họ.

Student life in Finland

Dọn nhà

Một trong sở thích của du học sinh mà mình để ý đó là dọn dẹp nhà cửa, nhưng ở đây thường là dọn toàn bộ bằng cách thay đổi hướng giường tủ, trải thêm ít thảm, thay rèm cửa, đổi ga giường tuỳ theo cảm hứng mùa và tâm trạng người.

Mỗi lần dọn dẹp xong là lại có cớ ngồi tự hào về con mắt thẩm mỹ và sức sáng tạo của mình. Quan trọng hơn cả đó là tạo ra sự thay đổi, tạo ra cái mới trong cuộc sống thường ngày.

Chit chat

Skype, yahoo, FB… tất cả các phương tiện này đều được sử sụng triệt để mỗi khi rảnh rỗi. Thường thì gia đình bạn bè ở xa không thể ngày nào cũng tiếp mình được, nhưng lúc mình rảnh thì dành thời gian đó để hỏi thăm họ.

Viết blog, viết nhật ký, viết sách…

Blog này ra đời cũng từ sự rảnh rỗi sau khi tốt nghiệp thạc sỹ mà ra. Nhưng nếu được quay trở lại, mình sẽ bắt đầu sớm hơn, bởi viết là cách để ghi lại cuộc sống và để học hỏi, suy nghĩ nhiều hơn. Ai cũng có những câu chuyện để chia sẻ, viết chúng ra sẽ là cách đưa con người đến gần nhau hơn. Biết đâu bạn sẽ khám phá được con người mình thông qua đó.

Đọc và suy ngẫm

Chắc hẳn bạn cũng muốn một tâm hồn bình thản hơn trong thế giới hỗn loạn này. Một cách đơn giản nhất đó là mỗi ngày hãy tìm một từ khoá phù hợp với tâm trạng mình nhất và đọc xem người ta viết gì về nó.

Có thể là những câu chuyện từ tôn giáo hoặc những câu chuyện cuộc sống hàng ngày để suy ngẫm, nhưng dù là gì bạn cũng sẽ tìm cho mình một câu trả lời về vấn đề làm mình bận tâm hay lo lắng sợ hãi.

Dành thời gian để chăm sóc cho tâm hồn và tinh thần từ thẳm sâu bên trong con người bạn thực sự sẽ có tác dụng thay đổi tích cực mỗi ngày.

Bạn có thể thêm vào list này bằng cách comment phía dưới nhé!

3 bình luận cho “Du học: 7 điều thường làm lúc rảnh rỗi”

  1. Ảnh đại diện vienhanlam

    Hẳn phải có lý do khi bạn xếp đọc ở cuối…

    Với mình, đọc là việc hàng ngày. Mình đọc nhiều đến nỗi mắt và mông đang dần hỏng. Còn viết thì ít hơn, vì viết khó hơn. Viết cần chất liệu và cảm hứng.

    Việt Nam mới lập ra ngày sách – 21/4 hàng năm. Tôn vinh những người liên quan đến sách. Người cuối cùng trong xâu chuỗi – người đọc – cần có cuộc sống như “người Phần Lan” mới đọc sách được.

    Cứ làm cho đời sống người dân tốt hơn, tăng lương, giảm giờ làm, tổ chức các hoạt động, trò chơi liên quan thì tự khắc người dân sẽ đọc sách. Chứ lập ra một ngày như thế, song không làm gì để cải thiện tình hình, thì chắc là không khả quan. Chả lẽ một năm có 365 ngày, đọc mỗi một ngày?

    Quản lý đất nước theo kiểu khẩu hiệu, phong trào là cách làm của các đồng chí! Xin lỗi vì, một lần nữa, mở rộng vấn đề!

  2. Ảnh đại diện TV

    Hi Vienhanlam,
    Đọc là việc hàng ngày, nhưng đọc và thực sự suy ngẫm, đọc cho tâm hồn thì không dễ đến được. Viết cũng có thể là công việc hàng ngày, viết nhiều sẽ tạo cho người ta chất liệu và cảm hứng. Bạn có thể thử xem. Mình đọc thấy rất nhiều người viết sách nói vậy. Hãy viết dù chỉ vài từ mỗi ngày thôi và bạn sẽ thấy sự thay đổi.
    Đúng là một ngày sách thôi chẳng làm thay đổi gì nhiều, chỉ cảm giác đó là cơ hội marketing cho các nhà xuất bản và phần lớn những cuốn sách bán chạy ra đều là sách thị trường. Không có sự đa dạng trong đó lắm, không tình yêu thì sách làm giàu…
    Ở Phần Lan, người ta đọc sách mọi lúc mọi nơi, trên tàu điện, xe bus, metro bạn có thể nhìn thấy người ta cầm sách hoặc báo đọc. Vấn đề là ở đây thư viện ở khắp mọi nơi, sách cũng ở khắp mọi nơi. Từ nhỏ trẻ em đã được đem đến thư viện để làm quen với việc đọc sách. Thư viện là dịch vụ công tốt nhất và được yêu thích nhất ở Phần Lan. Nói thật là mình chẳng bao giờ vào thư viện đại học ở Việt Nam, nhưng qua bên này từ thư viện đại học đến thư viện mỗi khu vực nhất định đều làm cho mình ngạc nhiên và thích thú. Đó là sự khác biệt khi người ta đầu tư vào giáo dục và sự đọc. Kỹ năng đọc là một trong kỹ năng quan trọng nhất được dạy cho học sinh tiểu học ở Phần Lan.

  3. Ảnh đại diện Loa hội nghị

    Cảm ơn tác giả đã chia sẻ, đi du học phải làm thêm để nâng cao sj hiểu biết và có thêm thu nhập

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *