Hạnh phúc nhất nhưng tỉ lệ ly hôn cao nhất

Phần Lan và các nước Bắc Âu khác dù luôn đứng đầu trong bảng xếp hạng các nước hạnh phúc nhất thế giới nhưng tỉ lệ ly hôn lại đứng đầu Châu Âu. Ở Phần Lan tỉ lệ ly hôn của những người kết hôn lần đầu là hơn 34% và tổng số ly hôn là hơn 50%. Con số này thực sự là kinh hoàng vì như vậy đi đâu cũng gặp những gia đình ly hôn.

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới ly hôn nhưng mình có đọc qua nghiên cứu về ly hôn ở Bắc Âu người ta giải thích là do mô hình phúc lợi xã hội sâu rộng và phong trào feminist đã làm cho bình đẳng xã hội tăng cao và con người có thể tự duy trì cuộc sống thay vì phải phụ thuộc vào nhau như trước kia. Ví dụ ở Phần Lan bạn hay thấy mấy ông bố đấy con rất nhỏ đi chơi rồi cho uống sữa là chuyện bình thường. Đằng sau là nhiều gia đình đã phân chia rất rõ ai trông con ngày nào, giờ nào, chi tiền cho các khoản ra sao, ai trả tiền điện nước, ai trả tiền nhà…

Trước những năm 1970 thì tỉ lệ hôn nhân rất thấp. Hôn nhân chỉ được dành cho giới nhà giàu, luật sư thôi. Nhưng sau đó do mô hình đóng thuế cao để nâng cao công bằng xã hội làm cho thu nhập mọi người tăng lên. Luật pháp cũng nới rộng ra, người phụ nữ đi làm nhiều hơn nên tự chủ hơn và dễ đưa ra quyết định ly hôn hơn. Những gia đình ly hôn thì chính phủ sẽ trả thêm tiền trợ cấp cho mấy đứa trẻ cho ai nuôi chúng.

Marriage story – Ảnh từ NYT

Đương nhiên người ta sống không hạnh phúc, tù túng, bị bạo hành, xung đột thì ly hôn là để giải thoát cho cả hai nhưng hậu quả cho những người xung quanh và con cái thì cũng rất nhiều. Mình sống ở đây 10 năm rồi nên thấy sao mà nhiều ly hôn đến vậy. Bà hàng xóm ly hôn vì ông chồng nát rượu không quan tâm vợ con. Giờ con gái bà cũng ly hôn. Chồng Tina trước đây cũng ly hôn. Bố mẹ mấy đứa nhỏ bạn con mình cũng ly hôn và kết hôn lại cũng có. Bạn cùng học Phd cũng ly hôn một ca sỹ nhạc rock nổi tiếng, rồi cô ngồi cùng phòng một trong những người thừa kế một tập đoàn lớn của Phần Lan cũng mới ly dị chồng ở tuổi 50. Nhiều quá mình kể không nổi giàu nghèo già trẻ đều ly dị.

Mấy đứa trẻ có bố mẹ ly hôn cũng tội. Một tuần phải chia làm đôi vài ngày ở cùng bố, vài ngày ở cùng mẹ. Nghe Tina kể cậu con trai chồng hè đến về ở với mẹ, sau đó đến hôm về mẹ cậu sẽ đưa cậu đi khoảng 100 km rồi đợi ở đó bố đến đón về tầm 100 km nữa. Một câu chuyện tội hơn nữa mình nghe kể hôm đi sinh nhật cậu bé gần nhà. Mình quen hai mẹ con một lần dẫn hai đứa xuống sân chơi.

Hôm đó mình gặp bà mẹ đỡ đầu của cô bạn Valencia. Bà nói tiếng Anh cũng giỏi nên bà chủ động ra nói chuyện với mình. Bà làm ở nhà thờ từ nhiều năm trước lúc đó mẹ của Valencia là người Nam Mỹ và bố Phần Lan ly dị. Lúc đó nhà có mấy chị em ở với mẹ nên mẹ khá vất vả và may mắn được nhà thờ giúp đỡ và chăm sóc khá nhiều. Nói chuyện một lúc bà mới kể ra bà đang sống với cháu trai năm nay 20 tuổi mới tốt nghiệp cấp 3. Mình hỏi sao học muộn vậy bà mới kể là cậu bé phải trải qua quá nhiều chuyện. Bố mẹ ly dị sớm, rồi bố lấy vợ, mẹ lấy vợ, cậu bé cứ lang thang từ nơi này qua nơi khác mà không hợp với gia đình nào cả cuối cùng bà thương quá mang về nuôi tới giờ. Mẹ của bà mới chết mà bà phải về quê dọn nhà mãi mà chưa có thời gian. Cũng một phần vì bà phải chăm sóc bố của chồng cũ giờ già quá rồi mà lại còn bị mù nữa. Mình hỏi chồng cũ đâu mà bà lại phải chăm bố chồng. Bà bảo ông ấy lấy vợ rồi không ai quan tâm tới ông bố nữa nên bà phải chăm. Chỉ có một khoảng thời gian 15 phút nói chuyện thôi mà mình nghe tới 4 câu chuyện ly dị từ bà. Bố mẹ bà cũng ly dị nên bà cũng phải đi lại hai nơi.

Tháng năm vừa rồi cô con gái bà hàng xóm gặp mình và kể chuyện cuối cùng cuộc hôn nhân 20 năm của cô cũng đã kết thúc thực sự. Gọi là thực sự vì một năm trước toà án chỉ cho họ sống ly thân và cố gắng hoà giải, cho tới năm nay mọi thủ tục giấy tờ mới được hoàn tất. Tuy vẫn còn khúc mắc về chuyện con cái và nhà cửa vì ông chồng không chịu chuyển khỏi nhà đang thuê của mẹ cô, cô đã có thể thở phào nhẹ nhõm sau một thời gian dài hôn nhân nhiều xung đột. Năm rồi khi ký vào đơn ly dị, cô cũng quyết định nghỉ công việc ở khách sạn để đi học về mảng sơn tường và cửa sổ. Cô bảo học thích lắm mà không hiểu bao nhiêu năm rồi cô không dám làm điều này. Năm nay cô đã 46 tuổi. Mẹ của cô trả lời bây giờ mới là thời điểm chín muồi nên cô mới quyết định được theo kinh nghiệm của bà. Chỉ có thời gian mới trả lời.

Chồng cô là người nước ngoài nên có thể khả năng ly hôn cũng cao hơn, nhưng ông ta nói lỗi là tại mẹ cô. Cô có bốn cô con gái thì ba đứa muốn theo bố, còn một đứa theo mẹ. Trước khi ly hôn ngày nào cũng thấy mấy đứa đến bà chơi, nhưng tuyệt nhiên sau đó không thấy qua lại gì nữa. Hôm trước xuống sinh Nhật bà có vẻ hơi buồn. Kết cục ly hôn thật phức tạp. Mình lại nhớ chuyện chị hàng xóm chung cư nhà mình 15 năm trước cũng bảo với mẹ chồng: nếu chúng tôi mà ly dị thì lỗi tất cả là tại bà. Bác hàng xóm chỉ biết chạy qua nhà mình khóc vì nhà cửa dưới quê đã bán hết để lên đây ở với con trai và trông cháu nhỏ còn chồng bác thì mất sớm rồi. Nghĩ mà thấy thương bác dù mình không phải người trong cuộc không biết ai đúng ai sai.

Gần đây mình có xem một đoạn phim Marriage Story rồi sau đó nghe chồng kể lại cả một quá trình ly hôn cực kỳ mệt mỏi giằng xé nhưng kết thúc câu chuyện có vẻ như vẫn còn hi vọng cho cả gia đình này. Nếu bạn nào thích xem drama Hàn như mình thì có thể xem Once again. Mình thích phim này lắm, dễ thương mà cũng mang lại cho người ta hi vọng vào gia đình và tình yêu thêm một lần nữa. Mình định hôm nào viết một bài về phim này luôn nên giờ dừng ở đây thôi.

6 bình luận cho “Hạnh phúc nhất nhưng tỉ lệ ly hôn cao nhất”

  1. Ảnh đại diện yanimia

    biết đâu tại ly hôn nhiều mới … hạnh phúc nhất đó 🙂 chứ ráng nhịn ráng chịu là hết hp rồi 🙂

    1. Ảnh đại diện TV

      Haha, cũng đúng. Nhưng có thể phải đọc lại xem họ định nghĩa hạnh phúc như thế nào ở trong survey?

  2. Ảnh đại diện YANA

    Một khi sự bình đẳng được nâng cao, thì con người dường như độc lập hơn, không còn nhiều sự phụ thuộc và ràng buộc lẫn nhau. Họ sống với cảm xúc và sự thoải mái hơn là cố gắng chịu đựng vì gia đình. Khác với Châu Á, suy nghĩ về việc ai là người sẽ ảnh hưởng bởi việc ly dị, rồi sau đó ngậm đắng nuốt cay chịu đựng trong đau khổ…. thế đâu phải là hạnh phúc.

    1. Ảnh đại diện TV

      Uh, ở Việt Nam tỉ lệ ly hôn chắc thấp nhất thế giới có 7% thôi, trong khi Trung Quốc là hơn 30%. Hôm trước mình đọc thấy Bồ Đào Nha tỉ lệ ly hôn là 70%. Vì con cái, vì giữ thể diện cho mình và gia đình nên chịu sống cảnh không hạnh phúc. Nhưng cũng có trường hợp vì ly hôn dễ quá nên nhiều khi người ta không muốn cùng nhau bước qua hiểu lầm và khủng hoảng nên ly hôn mặc dù chưa chắc hai người đã hết yêu nhau?

      1. Ảnh đại diện YANA

        Có phải vì cái tôi của họ cao quá không? Cũng có thể vì nhân quyền của họ lớn nên họ có quyền sống một cuộc sống “hạnh phúc” theo cách riêng của họ.

  3. Ảnh đại diện Xuân Bách
    Xuân Bách

    chủ nghĩa cá nhân cao quá. Và họ chưa đủ sự thấu hiểu người kia nên dễ xảy ra tình trạng ly hôn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *