Ai học trường chuyên lớp chọn?

Nơi tôi học…

Từ cấp một lên cấp 3, tôi học ở một thị trấn thuộc khu vực hai nông thôn. Khu vực giúp tôi cùng những người bạn của mình được cộng 1 điểm khi thi vào đại học, và đó cũng là nơi người ta có thể thấy sự phân biệt khá rõ ràng: con công nhân nhà máy, con cán bộ và giáo viên, con nhà nông, và con nhà tiểu thương nghiệp.

Ngày tôi được vào lớp chọn…

Tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác báo tin cho bố mẹ mình được đi thi và đỗ vào lớp 4A (lớp chọn của trường) sau khi đạt học sinh giỏi năm học lớp 3 ở một lớp thường. Háo hức, vui mừng lắm vì được chuyển qua một môi trường mới với các bạn giỏi hơn, luôn được học ở tầng trên, khác hẳn với lớp học bình thường những năm trước ở phía dưới.

Rồi vào lớp tôi phát hiện ra các bạn đều là con công nhân nhà máy hoặc con giáo viên trong trường, không giống nhà mình lắm. Rồi niềm vui chưa được bao lâu bị dập tắt bởi tôi không còn là học trò cưng trong lớp nữa, giờ chỉ là một đứa vào đây từ lớp thường và chẳng biết nhiều đến mấy bài toán nâng cao các bạn thường học ở đây. Kết quả là cô bạn ngồi cạnh tôi phải nói với đừng có giấu dốt, không biết thì hỏi để bạn giải thích cho (đó là một người bạn tốt thật sự). Rồi đến cuối năm tôi vẫn vật lộn và rơi vào top 10 học sinh khá của lớp. Tất cả những bạn khác đều được loại giỏi.

Truong hoc

Có một điều kỳ lạ xảy đến khi tôi lên lớp 5 đó là nhà trường thực hiện chính sách chuyển một vài bạn từ lớp 5B qua lớp 5A và ngược lại. Vấn đề là tiêu chuẩn chọn lựa lại không dựa vào kết quả khá giỏi, mà dựa vào chữ ai viết đẹp hơn. Rồi cả cô bạn giúp đỡ tôi và cô bạn gần nhà tôi đều phải chuyển qua lớp 5B trong khi tôi dù bị học sinh khá vẫn yên vị ở lớp 5A chọn của chọn? Tôi nhớ năm đó, cả phụ huynh và học sinh đều bức xúc. Cuối năm lớp 5 thì cả lớp được học sinh giỏi và miễn thi tốt nghiệp nên cứ thế tôi lại vào lớp chọn 6A1 học cùng những người bạn cũ và thêm một số người mới từ trường khác qua nhưng với hoàn cảnh khá tương tự.

Lên cấp 3 thì khó khăn hơn vì phải dựa vào điểm thi cấp 3 và quen biết để vào lớp chọn. Vì số học sinh rất đông mà cả thị trấn chỉ có 1 trường cấp ba, con nhà có điều kiện cũng đông, nên trường quyết định mở ra 3 lớp chọn trong tổng số 10 lớp và tất cả đều theo ban A. Sự thật là mỗi lớp sẽ có vài cá nhân hạt giống, còn lại nhiều bạn phải dùng tiền và quen biết để vào đó. Giá tiền cũng thay đổi theo lớp chọn 1,2, hay 3. Cả thập kỷ trôi qua và nghe nói giá vào lớp chọn giờ tính bằng cả vài trăm USD?…

Câu chuyện trường chuyên lớp chọn này có lẽ chẳng xa lạ gì đối với các bạn. Hiện giờ chắc có lẽ còn rõ rệt hơn cái thời tôi học từ đầu những năm 2000. Mục đích kể chuyện này ở đây là để nhấn mạnh vào những hậu quả nghiêm trọng của nó cho sự phát triển và công bằng xã hội. Một tiêu chí mà chế độ ta luôn đặt lên hàng đầu.

Ai được vào lớp chọn? Ai thi được vào trường chuyên?

Phần lớn đó là con nhà giàu, con nhà có điều kiện như bố mẹ làm giáo viên, công quan chức nhà nước. Họ có tiền để đầu tư cho con cái học hành và đầu tư vào các mối quan hệ với giáo viên và trường học. Lớp chọn lại được dạy bởi các giáo viên tốt nhất và được quan tâm nhiều nhất. Như vậy, phần lớn số học sinh ở lớp thường phải chịu thiệt thòi. Với nền tảng như vậy, học sinh lớp chọn trường chuyên tiếp tục thi đỗ vào các trường đại học lớn (do được đầu tư để luyện thi), và ra trường với những công việc tốt chào đón. Và rồi sự nghiệp, tiền bạc, hạnh phúc đều đến theo đó.

Còn lại 80% số học sinh lớp thường kia thì sao? khi tôi nhìn lại, thấy hầu như mỗi lớp chỉ có 1 vài người là đỗ đại học tầm trung, còn lại là học dân lập, cao đẳng, trung cấp hoặc học nghề. Đây thực sự là một điều đáng buồn bởi giáo dục luôn là cơ hội để cho con người có thể vươn lên trong xã hội. Một khi người ta đã được phân loại từ bé với đủ mọi loại trường chuyên lớp chọn, hậu quả tất yếu đó là khoảng cách và sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội đã được duy trì nuôi dưỡng từ khi tâm hồn con người còn ở trong những ngày thơ ngây nhất.

Giải pháp?

Tôi nghĩ không cần phải là chuyên gia giáo dục để nhận ra rằng muốn cải cách giáo dục ở Việt Nam trước tiên cần phải loại bỏ hệ thống trường chuyên lớp chọn, ít nhất ở bậc tiểu học và trung học cơ sở. Tuy vậy lên cấp 3 học sinh có quyền chọn lựa học cấp ba để thi đại học hay học cấp 3 để làm nghề tuỳ theo năng lực và sở thích của họ giống như hệ thống giáo dục ở Đức và Phần Lan. Xã hội Phần Lan phát triển không phải do một số cá nhân, mà do sự bình đẳng và chất lượng nguồn nhân lực đồng đều do nền giáo dục không phân biệt đối xử giữa các học sinh.

Dù điều kiện xã hội kinh tế ở Việt Nam có khác thế nào, thì ít nhất việc tạo cơ hội giáo dục bình đẳng cho học sinh phổ thông bằng cách dẹp bỏ hệ thống chuyên chọn và học thêm ở các cấp thấp là điều mà chúng ta có thể học hỏi được từ Phần Lan và các nước khác.

7 bình luận cho “Ai học trường chuyên lớp chọn?”

  1. Ảnh đại diện Trinh Lu
    Trinh Lu

    Chị Vi à! Em thiệt là thích bài viết này của chị lắm lắm! 😀

    1. Ảnh đại diện TV

      Thanks e nhìu 🙂

    2. Ảnh đại diện Vang số hát hay

      Đúng vậy, tôi cũng rất thích các bài viết trong blog này

  2. Ảnh đại diện leekaru14

    Em đã đọc một mẩu chuyện về các nhà giáo dục Trung Quốc sang thăm một trường ở Phần Lan để nghiên cứu về giáo dục của nước này. Họ mang theo 2 con Panda bông và đề nghị tặng cho 2 em học sinh giỏi nhất. Và câu trả lời là: Học sinh của chúng tôi đều giỏi như nhau.
    Xã hội Phần Lan có rất nhiều điểm giống với xã hội trong mơ của Chủ nghĩa không tưởng, hay thực tế hơn một chút là Chủ nghĩa xã hội. Nhưng xem ra việc chia sẻ thu nhập, bình đẳng giáo dục ở các nước XHCN trong tương lai gần mới là điều “không tưởng”.

    1. Ảnh đại diện TV

      Hi, có nhiều cái mà những người đang được hưởng nhiều lợi ích nhất không thể từ bỏ được nên chắc đúng như em nói đấy. Haizzz…

  3. Ảnh đại diện kimthienthanh

    Giờ em mới đọc bài này của chị. Chị làm em nhớ lại thời điểm em nhìn thấy danh sách xếp lớp ở trường cấp 3. Cảm giác lúc đó shock thực sự vì không hiểu sao nhiều bạn điểm rất cao mà không được vào lớp chọn. Rồi có bạn thì không muốn đi học nhưng cứ bị ép phải học nọ, thi kia. Thời gian vừa rồi ở Phần Lan, tiếp xúc rồi nói chuyện về việc học ở đó em mới càng thấm cái sự giáo dục ở nhà sao có vấn đề lạ. Không phải là so sánh hay chê bai nọ kia đâu ạ nhưng mà giá như có người nghe học sinh nói học sinh cần gì thì tốt biết bao 🙂

  4. Ảnh đại diện Vang số hát hay

    Các học sinh có tố chất đặc biệt nên được váo các lớp chọn để phát huy tố chất đó

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *