Mình tìm thấy bài viết này đã xong từ 6 năm trước mà mình quên không đăng. Hồi đó có một khảo sát chỉ ra rằng Phần Lan là đất nước tốt nhất dành cho các bà mẹ nên mình muốn viết một bài cộng hưởng. Có nhiều khía cạnh khác nữa nhưng mình sẽ viết tiếp sau này. Những hình ảnh phía dưới là ảnh mới của cậu út vì ảnh từ năm 2014 mình cất sâu vào ổ cứng di động rồi.
21/04/2014
Tôi đang viết những dòng này trong bệnh viện khi nằm nhìn con gái và chồng ngủ say trong tiếng nhạc không lời phát ra nhẹ nhẹ từ chiếc đài nhỏ bên cửa sổ. Mấy hôm trước ngày sinh hai vợ chồng hồi hộp nên không ngủ được mấy. Giờ sinh xong xuôi tốt đẹp rồi nên mới chợp mắt được. Cảm giác bình an và biết ơn là thứ mà tôi cảm nhận trong những ngày qua. Sinh con chẳng bao giờ là dễ dàng, nhất là với những người sống ở nước ngoài không có gia đình người thân ở cạnh. Lần đầu sinh con, tôi hoàn toàn không có kinh nghiệm gì. Đọc sách báo hay nghe lời khuyên của mọi người cũng chỉ phần nào vì mỗi người nói mỗi khác. Tôi biết thế nên cứ để mọi thứ tự nhiên và đến bệnh viện.
Sảnh ra vào
Về cơ sở vật chất có lẽ chẳng phải bàn nữa vì trình độ y học và đầu tư vào y tế của Phần Lan. Ở đây tôi muốn nhấn mạnh khía cạnh con người là những bác sỹ và y tá trực tiếp nhận và chăm sóc bệnh nhân từ khi họ nhập viện.
8 giờ sáng hai vợ chồng tôi đến bệnh viện vì tôi không chịu nổi những cơn đau đẻ một mình ở nhà nữa. Nữ y tá đầu tiên gặp luôn nhẹ nhàng, mỉm cười và dẫn tôi vào phòng kiểm tra xem tình hình của mẹ con tôi. Cả quá trình chỉ có 20 phút, nhưng cô luôn nói hi vọng là tôi có thể chịu đau nổi, rồi động viên. Sau khi biết cổ tử cung tôi đã mở 4 cm, cô khuyên hai vợ chồng tôi nên xuống công viên đi bộ để cho dễ sinh, rồi quay lại khi nào thấy đau không chịu được nữa. Lúc đó tôi bị chảy máu, cô lấy khăn ướt, thậm chí còn cúi xuống lau cho tôi đến tận chân trong khi tôi vẫn tự làm được và chồng tôi cũng ở đó.
Em bé được y tá cuộn lại như vậy, bên trong không mặc quần áo gì để dễ có skin contact
Bệnh viện phụ nữ Helsinki nằm ở Meilahti phía trong vườn nhỏ khá yên tĩnh. Giữa tháng 4 mùa Xuân nên tiết trời còn hơi lạnh nhưng có nắng vàng chiếu vào cỏ xanh rất đẹp dù nhiều lúc tôi thấy đau không đứng nổi. Tôi đi lại rồi hai vợ chồng còn lôi máy ảnh ra chụp một bộ hoành tráng trước giờ sinh. Xong xuôi tôi tiếp tục đi lại cho đến tầm 10h, lúc này tôi đau không đi lại được nữa. Cô y tá mới thay ca đưa chúng tôi vào phòng sinh. Một căn phòng rộng tầm 20 m2 với đủ các thiết bị theo dõi, thuốc men, nhà tắm, quần áo, nhìn như trong khách sạn vậy. Tôi ở đó cho tới khi sinh con xong.
Họ đặt vào tôi thiết bị đo nhịp tim em bé và đo các cơn đau. Thấy tôi nằm đau trên giường, cô y tá liên tục vào hỏi thăm và dặn tôi nhớ nhấn nút gọi cô ngay khi cần. Tầm 2h thấy tôi đau quá, cô đề nghị tiêm epidural để giảm đau và làm cho quá trình đau đẻ diễn ra nhanh hơn. Một bác sỹ xuống giúp cô tiêm thuốc cho tôi. Xong việc ông còn nói tạm biệt và cám ơn nữa.
Phòng sinh
3h hai cô y tá mới đến, họ là người giúp tôi thực hiện ca đẻ. Cũng giống những người trước, hai cô luôn ân cần hỏi han và động viên. Tôi được truyền nước, tiêm thêm thuốc epidural cho đến khi thực sự đau đẻ. Chồng tôi ở đó bên cạnh và giúp đỡ tôi theo hướng dẫn của hai y tá. Lần đầu sinh không có kinh nghiệm, cô y tá hướng dẫn tận tình rồi luôn miệng động viên: tôi biết việc này rất khó khăn, bạn đang làm rất tốt, chỉ một chút nữa thôi. Hai cô còn để tôi đặt chân vào sườn của họ để lấy lực. Tôi đoán trong lúc rặn đẻ, tôi đã thúc vào sườn của họ khá đau. Vậy mà vẫn luôn là những nụ cười, hàng loạt thao tác giúp tôi đẻ dễ hơn như lấy nước tiểu, tiêm thuốc giảm đau. Khi thấy đầu em bé khó ra quá họ phải rạch và cô y tá tỏ ra rất lấy làm xin lỗi. Cứ liên tục nói cô không hề muốn, nhưng vì sự an toàn của mẹ và bé. Thực sự lúc đó được tiêm thuốc tê rồi nên tôi đâu có cảm giác đau gì nữa. Chỉ mong con ra cho thật nhanh và thấy vô cùng cảm kích bởi tấm lòng của họ.
Đến hơn 7h thì tôi sinh con, hai mẹ con đều bình an. Hai người họ cũng mừng vui ra mặt và liên tục chúc mừng. Họ đợi tôi nghỉ ngơi, đưa con nằm lên ngực tôi, tiến hành các công đoạn còn lại như lấy nhau, ép máu ra, rồi khâu lại. Tất cả đều tỉ mỉ. Đến 9h sau khi tôi cho con bú sữa non xong, các cô cân đo em bé, tắm rửa và hướng dẫn chồng tôi cách tắm rửa cho bé cũng là lúc họ hết ca. Cả hai vỗ vai tôi chúc mừng và chúc mọi điều tốt đẹp.
Và đọc tới đây bạn sẽ tự hỏi sinh con như vậy sẽ tốn bao nhiêu tiền? Từ lúc mang bầu cho tới khi sinh, ở viện ba ngày với chồng và con mình phải trả hơn 100 euros. Đó là tiền phòng nằm sau sinh. Lần đầu sinh do chồng mình cũng ở lại và được ăn luôn cùng vợ nên mất hơn 200€.
Tôi muốn viết về trải nghiệm sinh con lần đầu tại Phần Lan và để gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã giúp đỡ gia đình tôi khi chúng tôi chỉ có một mình ở nước ngoài.
Để lại một bình luận