Sau vài năm xa cách mới có dịp trở lại trường FTU để thăm thú, thực tế việc quan trọng hơn cả vẫn là để xin cái mã số sinh viên mà không được ghi lại ở bất kỳ giấy tờ gì từ bảng điểm cho tới cái thẻ sinh viên cũ mèm của mình. Lý do đó là mấy năm trở lại đây trường mới quản lý sinh viên bằng mã số và password. Từ khóa mình trở về trước thì mã số sinh viên chẳng để làm gì cả. Vẫn biết là nó chẳng làm gì cả nhưng vẫn là một dấu * không thể thiếu trong application.
Phòng Đào Tạo được chuyển qua nhà mới khang trang đẹp đẽ hơn chứ không còn ở nhà B cũ kỹ trước nữa. Bàn làm việc của các thầy cô thì vẫn vậy, chỉ có khác là chỗ tiếp đón sinh viên có 1 cái bar dài và cao thay vì cứ đến thẳng bàn thầy như ngày xưa. Mấy năm trước mỗi lần phải xuống phòng đào tạo thường chỉ để xin giấy chứng nhận sinh viên hoặc bảng điểm. Giờ thì mọi thứ đã thay đổi, bởi các em có quyền tự do hơn trong việc lựa chọn môn học nhờ có việc học tín chỉ.
Oái oăm thay, có lẽ mình chưa dùng nên chưa biết hệ thống quản lý thông tin của trường FTU hiện đại thế nào mà sinh viên chỉ có thể đăng ký học được mà đến khi đổi hoặc hủy môn lại phải chạy xuống hết phòng đào tạo. Rồi xuống hỏi điểm môn tiếng anh từ A thành F, rồi đến mất password cũng chạy xuống phòng đào tạo. Chả lẽ không có phòng helpdesk riêng cho những vấn đề như mất password. Rồi quên không kí bài thi nên bị fail… Mà kỳ lạ lắm, chỉ thấy mỗi một thầy ngồi vật lộn với một đống sinh viên trong khi không biết những chuyên viên khác làm gì? Nếu một tuần chỉ dành có 2 buổi để tiếp sinh viên thì ít nhất cũng phải có nhiều người phụ trách tiếp hơn chứ? Đúng lúc đông sinh viên nhất thì cả phòng đi họp 😀 nên chỉ còn lại hai thầy tha hồ mà trả lời, tha hồ cáu.
Nghĩ đi nghĩ lại thì thấy cũng thương thầy đứng tiếp sinh viên cơ mà thấy bực mình vì cách quản lý tổ chức thiếu hợp lý của trường. Kiểu quản lý tập trung bao cấp không phải đã chứng minh là sai lầm từ nhiều năm trước đây? Nếu phòng đào tạo cứ lo giải quyết nhưng việc vụn vặt kiểu như vậy thì bao giờ mới hi vọng nổi cải tiến, sáng tạo tổ chức? Đơn cử ngay cái bằng đại học mỏng tanh dễ dàng làm giả, cái bảng điểm thông tin vô cùng sơ sài, sinh viên apply đi du học gặp bao phiền toái. Tại sao không dành thời gian giải quyết những vấn đề này đi? Bao năm rồi mà thấy còn tệ hơn trước đây. Ít nhất thời gian mình học ở trường cũng không phải chầu chực ở phòng đào tạo như vậy bao giờ.
Chỉ xin 1 cái mã số mà phải mất tới cả tiếng đồng hồ. Đó là mình còn may mắn gặp được thầy ở bàn phía sau giải quyết cho sớm hơn. Chờ đợi lâu là một phần, nhưng bực mình hơn cả đó là thái độ của các bạn sinh viên đến đó. Nói lại thì bảo nói nhiều rồi suốt ngày chê bai (thích thì qua tây mà ở :)), nhưng đúng là ở Việt Nam chẳng có cái gọi là văn hóa xếp hàng, ai cũng đòi chen chân lên trước, xếp hàng thì theo hàng ngang chẳng thèm bận tâm xem ai đến trước, ai đến sau. Chỉ cần biết chen được là mình phải chen tới cùng. Điển hình lúc mình đứng có 1 cô bé đến muộn hơn rất nhiều, rồi chen lên, chòi hẳn cả tay qua mặt người khác, mình khẽ nhắc nhở mà cô bạn cũng chẳng thèm bận tâm, mặt bạn vẫn cứ thản nhiên như không. Bất chấp quá :(. Để ý thấy ai đến dù biết thầy đang phải giải quyết việc cho một người khác mà vẫn xông vào hỏi cho bằng được, rồi thấy người ta đứng xếp hàng thì nhìn một cái xong tỉnh bơ đi thẳng theo kiểu nhắm mắt làm ngơ không biết không có tội.
Những cái tối thiểu như thế cần phải được dạy và học từ trong trường mẫu giáo tiểu học. Giáo dục chúng ta chỉ chăm chăm dạy cho người ta phải học thật giỏi (nhồi nhét), cạnh tranh thật cao (con tôi phải đứng số 1), chăm sóc thầy cô thật tận tình nhưng lại không dạy cho người ta những thứ văn minh đơn giản nhất như phải biết tôn trọng người khác, phải biết trước biết sau, biết dừng trước đèn đỏ cho người đi bộ, biết vứt rác đúng nơi quy định… Đứng nhìn ở một trường đại học với những sinh viên được mang tiếng tài năng và năng động, vậy mà đối với những vấn đề cơ bản này còn như vậy. Chỉ biết thở dài haizzz… Chỉ cần mỗi người chúng ta, khi phải chờ đợi xếp hàng hay giao thông, lịch sự hơn một chút, suy nghĩ cho người khác và bản thân mình một chút có lẽ sẽ chẳng cần phải kể lại câu chuyện hai con dê trắng và dê đen cùng qua một chiếc cầu, không ai chịu nhường nhau rồi cả hai đều rơi tõm xuống suối.
Suy cho cùng cái cảnh xếp hàng có lẽ là sự tái hiện của một xã hội đang hỗn loạn, bon chen mà chẳng biết bao giờ mới hết???
Để lại một bình luận